Phạt chậm trả cổ tức, không đơn giản! (ĐTCK)
( 18/09/2012 )
Để xử lý vấn đề này, thì Luật DN hoặc ít nhất là Nghị định hướng dẫn Luật phải quy định rõ thời hạn DN phải chi trả cổ tức trong điều kiện bình thường và trường hợp ngoại lệ, giống như thời hạn phải tổ chức họp ĐHCĐ.
Đầu tư Chứng khoán 15-9-2012:
Phạt chậm trả cổ tức, không đơn giản!
Việc trao quyền
phạt cho cổ đông nhà nước khi DN chậm trả cổ tức đã tạo ra nhiều ý kiến
trái chiều nhưng thống nhất ở điểm: khó thực hiện!
Báo ĐTCK số 106 có bài
viết: “Chậm trả cổ tức, cổ đông nhà nước sẽ phạt DN ”, căn cứ vào Quy
chế quản lý Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển DN, ban hành kèm theo Quyết
định số 21/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, một số luật
sư cho biết, “quyền phạt” này không dễ thực hiện, thậm chí không có ý
nghĩa và các cổ đông khác khó mong chờ cũng được trao quyền.
“Nếu phạt chậm cổ tức, sẽ có nhiều vấn đề phát sinh”
Ông Khúc Dương Thọ, Công ty Luật hợp danh Luật Việt |
Quy chế ban hành kèm
theo Quyết định số 21/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh
việc thu nộp và quản lý Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển DN và các đối
tượng có liên quan. Do vậy, chỉ các DN có vốn nhà nước do Quỹ quản lý
mới chịu sự điều chỉnh của Quy chế.
Việc tính lãi, nộp phạt
và cưỡng chế theo Điều 4.3 Quy chế được hiểu là một biện pháp hành
chính đối với các DN do Nhà nước quản lý và việc thực hiện sẽ có nhiều
vấn đề phát sinh cần giải quyết. Đối với khoản phải nộp cho Quỹ là cổ
tức, thì các vấn đề có thể phát sinh là: thời hạn để tính là đến hạn trả
cổ tức, trả cổ tức chậm bị phạt thì ai phải gánh chịu khoản phạt này
(ảnh hưởng tới quyền lợi của các cổ đông trong DN), công bằng giữa cổ
đông là Nhà nước và các cổ đông khác…
Một điều chú ý là Quy
chế không áp dụng với các cổ đông không phải là Nhà nước. Do vậy, các cổ
đông không phải là Nhà nước không có quyền phạt DN chậm trả cổ tức
và/hoặc có biện pháp cưỡng chế DN phải nhanh chóng thực hiện nghĩa vụ
thanh toán cổ tức, nếu không có quy định cụ thể trong Điều lệ hoặc quy
định nội bộ của DN.
Liên quan tới vấn đề cổ
tức, theo Điều 93.2 Luật Doanh nghiệp, cổ tức trả cho cổ đông phổ thông
được xác định căn cứ vào số lợi nhuận ròng đã thực hiện và khoản chi
trả cổ tức được trích từ nguồn lợi nhuận giữ lại của DN. Không có quy
định cụ thể về việc phạt DN nếu chậm trả cổ tức cho các cổ đông. Do vậy,
để xác định vấn đề này, Điều lệ hoặc quy định nội bộ của DN phải nêu rõ
mới có thể áp dụng được. Trong trường hợp Điều lệ hoặc quy định nội bộ
không quy định, các cổ đông có thể vận dụng quyền hạn của mình để sửa
đổi điều lệ hoặc bãi miễn hoặc thay thế các thành viên HĐQT, tổng giám
đốc.
Ngoài ra, tôi cho rằng,
nếu chứng minh được rõ ràng thời hạn trả cổ tức đã bị vi phạm, thì cổ
đông có thể tiến hành khởi kiện, yêu cầu DN trả nợ khoản này cộng với
một phần lãi suất cho thời hạn bị quá hạn. Sau đó, cổ đông, nhóm cổ đông
sở hữu ít nhất 1% số cổ phần phổ thông liên tục trong thời hạn 6 tháng
có quyền yêu cầu Ban kiểm soát khởi kiện trách nhiệm dân sự đối với
thành viên HĐQT, giám đốc (tổng giám đốc) gây thiệt hại cho DN.
“Mấu chốt là ngày thực hiện phân chia cổ tức”
Ông Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật BASICO |
Không
có cơ sở pháp lý vì luật, nghị định liên quan không có quy định nào về
thời hạn phải thanh toán cổ tức, mà là do công ty quyết định. Việc xử
phạt sự chậm trễ này là một dạng xử phạt vi phạm hành chính, phải do
Quốc hội hoặc Chính phủ quy định, chứ không phải theo Quyết định của Thủ
tướng Chính phủ.
Không
có ý nghĩa trên thực tế vì việc chậm thanh toán cổ tức luôn đồng nghĩa
với việc chậm công bố “ngày thực hiện phân chia cổ tức” theo Quyết định
số 21/2012/QĐ-TTg, chứ DN không dại gì công bố ngày thực hiện rồi mà lại
không chịu chi trả. Nghị quyết của ĐHCĐ luôn ghi rõ là chia cổ tức bao
nhiêu phần trăm, nhưng chưa từng thấy ghi ngày nào sẽ chia. Tức sau một
vài năm mà HĐQT và tổng giám đốc không ấn định ngày “thực hiện phân chia
cổ tức” theo nghị quyết của ĐHCĐ, thì cũng không bị quá thời hạn phân
chia cổ tức.
Để
xử lý vấn đề này, thì Luật DN hoặc ít nhất là Nghị định hướng dẫn Luật
phải quy định rõ thời hạn DN phải chi trả cổ tức trong điều kiện bình
thường và trường hợp ngoại lệ, giống như thời hạn phải tổ chức họp ĐHCĐ.
“Các cổ đông là bình đẳng nhau về quyền lợi”
Ông Lê Thành Vinh, Phó tổng giám đốc Công ty Luật SMIC |
Khi đã có nghị quyết
của HĐTV/ĐHCĐ về mức chia lợi nhuận/cổ tức cho các thành viên góp vốn/cổ
đông, DN có nghĩa vụ thanh toán các khoản lợi nhuận, cổ tức đó. Bất cập
hiện nay là pháp luật thiếu quy định về thời hạn mà DN phải thực hiện
nghĩa vụ này. Thành viên góp vốn/cổ đông vì vậy sẽ rất khó khăn nếu DN
chây ì thanh toán. Họ cũng khó khiếu nại hay khiếu kiện về sự chậm trễ
của những người quản lý DN triển khai nghị quyết của HĐTV/ĐHCĐ, vì lý do
“chưa vi phạm thời hạn thực hiện”. Xét trong bối cảnh này, Quyết định
21/2012/QĐ-TTg quy định thời hạn DN phải nộp khoản tiền này vào Quỹ Hỗ
trợ sắp xếp và phát triển DN kèm theo quy định về lãi phạt vi phạm và
cưỡng chế trích tiền từ tài khoản của DN là cần thiết để bảo vệ quyền
lợi của Nhà nước.
Tuy nhiên, nếu không
bảo vệ quyền lợi của cổ đông/thành viên góp vốn khác, thì sẽ phát sinh
nhiều vấn đề. Trong DN, các cổ đông/thành viên góp vốn là bình đẳng nhau
về quyền lợi theo quy định của pháp luật. Họ đều có quyền hưởng lợi
nhuận/cổ tức trên phần vốn góp/cổ phần của mình. Đây là nguyên tắc cơ
bản, không có cơ sở nào cho phép đặt ra quy định ưu tiên lợi ích của cổ
đông/thành viên góp vốn nhà nước trên lợi ích của cổ đông/thành viên góp
vốn tư nhân trong cùng một DN.
Nếu vì sợ Nhà nước
“phạt vi phạm” mà người quản lý DN thực hiện thanh toán trước cổ tức/lợi
nhuận cho Nhà nước, họ sẽ phải đối mặt với nguy cơ cổ đông/thành viên
góp vốn khác kiện đòi thanh toán.
Quy định về việc phạt
chậm nộp các khoản thu về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển DN có thể là
hợp lý đối với các khoản tiền bán, giao DN hoặc thu phần giá trị thặng
dư đối với việc cổ phần hoá DN 100% vốn nhà nước. Còn đối với khoản tiền
cổ tức thì tôi cho rằng, không có cơ sở pháp lý để phạt và không có ý
nghĩa trên thực tế.
Kim Lan